Thầy ạ!
Có lúc con thấy tâm mình không hề khởi lên một ý niệm nào cả và con chỉ cảm thấy mình cần phải làm gì hay không cần phải làm gì, nhưng lại cảm thấy hình như tâm nó muốn nói với con điều gì đó có vẻ quan trọng mà con chưa nghe được. Xin thầy cho con hỏi : Trạng thái tâm như thế nào là đủ rộng ,và phải quan sát độ rộng mở của tâm như thế nào ạ?
Thư trả lời của Sư Tâm Pháp
Con thân mến,
Khi tâm không hề khởi lên một ý niệm nào, trạng thái tâm quân bình va rộng mở như thế là điều kiện lý tưởng để quan sát và ghi nhận thuần túy. Ý niệm là tục đế, thế giới của các khái niệm trói buộc và hạn chế tâm mình. Không ý niệm là thế giới chân đế, thế giới của sự thật – sự thật nằm ngoài những khái niệm chế định của con người.
Khi tâm bình an tĩnh lặng, vẫn có một cái tâm đang ghi nhận sự bình an đó. Tâm rộng mở tự nhiên và tự động thu nhận tất cảnhững gì trong thân tâm khởi lên một cách tự nhiên. Không can thiệp, không bình luận đánh giá, không muốn nó phải khác đi, không suy nghĩ, chỉ thuần cảm nhận – ghi nhận. (Nhưng có những trường hợp khi trình độ niệm tâm sâu sắc, chính suy nghĩ lại là đối tượng để tâm ghi nhận thuần túy, tâm vẫn rộng mở và bình an ghi nhận khách quan những suy nghĩ chợt đến và đi qua tâm mình. Không cố ý suy nghĩ, chỉ là những hoạt động của tâm đang tự diễn ra).
Trạng thái tâm như thế là lý tưởng để trí tuệ trực giác khởi sinh. Con cảm nhận đúng đấy, tâm đang muốn nói cho con điều gì đó mà con chưa biết. Cứ tiếp tục như thế đủ lâu, có thể qua nhiều năm tháng thực hành, tâm sẽ vén mở cho con thấy cả một chân lý ở bên trong, nó sẽ cho con thấy tất cả những gì ảo tưởng trói buộc, những nguyên nhân gốc của đau khổ bên trong kiếp sống con người, cho con thấy rõ ràng hiển hiện sự thật: tất cả những gì thuộc về thân tâm chúng ta chỉ là vô thường – khổ – vô ngã. Sự thật ấy sẽ giải thoát con khỏi đau khổ, cắt đứt những nguyên nhân gốc dẫn con đi tái sinh kiếp này kiếp khác trong vòng luân hồi vô thủy này. Đó là trí tuệ giải thoát, trí tuệ trực giác – trực nghiệm bản chất vô thường, khổ, vô ngã, đoạn diệt mọi phiền não tận gốc rễ.
Không làm gì cả (non-doing) là một trạng thái tâm rất khó để duy trì, chỉ đơn thuần rộng mở và không làm gì cả, thuần quan sát, thuần ghi nhận – là thái độ chân chánh khi hành thiền (chánh kiến). Thông thường các loại phiền não, định kiến, tham cầu, chống đối … sẽ không cho phép mình duy trì được như thế. Nó luôn luôn muốn “làm” một cái gì đó. Chính cái “làm” đó phá hỏng trạng thái tâm quân bình, rộng mở – nó luôn muốn xen suy nghĩ và những điều đánh giá, mong cầu vào đó, và do đó phá vỡ mất điều kiện cần để trí tuệ trực giác phát triển.
Nhiệm vụ của mình là duy trì trạng thái tâm quân bình, rộng mở đó càng lâu càng tốt, càng thường xuyên càng tốt (nhưng nên nhớ không nên lấy đó làm mục tiêu để tìm cách đạt đến, bởi vì đó là tâm tham đã xen vào rồi). Nên quan sát những nhân duyên nào khiến mình đạt được trạng thái quân bình, rộng mở đó, và những cái gì làm phá hỏng nó. Có rất nhiều nhân duyên, càng để ý quan sát và nhạy cảm, sẽ càng phát hiện ra được những điều kiện cần để duy trì nó. Nó có thể rất đa dạng: những định kiến, những nếp mòn suy nghĩ, cách ngồi, thái độ trước và trong khi ngồi thiền, cách sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, câu chuyện mình nói, những gì mình thâu nhận vào đầu trong ngày qua 6 giác quan, sức khỏe, cảm xúc, lòng tin, sự chăm chỉ, môi trường bên ngoài, sự liên tục của ghi nhận thuần túy trong ngày, các hoạt động suy nghĩ của tâm, đồ ăn thức uống, những người mình tiếp xúc, kiến thức và hiểu biết về pháp hành, thời tiết …
Người trí tuệ không tìm cách đạt được điều mình mong muốn bằng mọi giá mà hiểu được những nhân duyên nào khiến mình đạt được điều đó và bổ sung những nhân duyên đó cho đầy đủ.
Người trí tạo nhân chứ không làm quả!
Càng nhạy cảm và càng trí tuệ, chúng ta sẽ càng nhìn nhận ra được nhiều nhân duyên tác động đến tâm mình như thế. Đôi khi giữa các nhân duyên – tác nhân tác động lại có sự kết nối và ảnh hưởng lẫn nhau nữa. Với thời gian tu tập và sự khéo léo, thông minh của mình, con sẽ ngày càng nắm vững được những điều đó và đưa tâm mình về trạng thái ghi nhận rộng mở đó được lâu hơn và thường xuyên hơn, không chỉ trong lúc ngồi thiền, mà cả ở ngoài cuộc sống, con sẽ duy trì được nó (tất nhiên là lúc được lúc mất, có khi chỉ một vài phút lúc ngồi nghỉ, hay lúc đi lại, hay lúc làm việc…, về sau thì thời gian đó ngày càng nhiều hơn). Tâm rộng mở và ghi nhận thuần túy đó có thể gọi là tâm đơn giản, tâm thiền. Trí tuệ trực giác nảy nở từ nơi không có suy nghĩ và các khái niệm – nó sử dụng trực nhận chứ không dùng suy nghĩ.
Nên nhớ một nguyên tắc: “chúng ta không tạo ra trí tuệ, mà chỉ tạo duyên – duy trì những điều kiện cần thiết để trí tuệ tựphát triển”.
Hiểu biết thực sự chỉ đến với những người không vội vàng để hiểu biết.
Con người thích cái gì cũng phải nhanh chóng và dễ dàng, thích “ăn xổi”, nên chỉ nhận được toàn đồ giả. Cái gì cũng có giá của nó. Vội vàng để hiểu thì chỉ toàn là suy nghĩ và những kiến thức sách vở, chỉ được phần ngọn mà chẳng bao giờ đến gốc. Trí tuệgiải thoát là điều mà cả cuộc đời người tu tập hướng đến, nó sẽ đến khi đã đủ nhân duyên. Có vô số nhân duyên mà chúng ta sẽphải tự tìm hiểu và bổ sung trong quá trình quán sát chính thân tâm mình, tùy thuộc vào nghiệp lực, cá tính, ba la mật hay các tiềm năng tâm linh sẵn có và đang phát triển trong mình; thời gian là một nhân duyên quan trọng mà những người nóng lòng thường không tính đến.
“Đối với những người kiên nhẫn thì thời gian là đồng minh, còn đối với những người thiếu kiên nhẫn thì thời gian là kẻ thù”.
Độ rộng mở của tâm không bao giờ là đủ, cho đến khi đã đắc đạo giải thoát hoàn toàn. Luôn có những sự trói buộc từ thô lậu đến vi tế của phiền não, chấp thủ, tham ái…hạn chế chúng ta mở rộng tâm mình. Và quán sát những trói buộc ấy để hiểu chúng bằng trí tuệ trực giác là con đường duy nhất dẫn chúng ta giải thoát khỏi thân phận nô lệ của phiền não miên viễn, để tâm mình rộng mở đến mức không có bất cứ thứ gì là mình, là của mình nữa. Vô ngã-Vô ưu: không bản ngã, hết ưu sầu.
Diễn giải thì dễ hiểu như thế. Cuộc chiến thực sự thì khó khăn, đau đớn và cũng thú vị hơn nhiều. Chúng ta vẫn thường xuyên thấy rằng: mình vẫn chưa thực sự hiểu được những điều đơn giản ấy!
Mong con có nhiều đức tin, can đảm và kiên nhẫn.
Thời gian sẽ ủng hộ con.
Với tâm từ của thầy
Bài được sưu tầm và đăng lại từ www.sutamphap.com.
Con cảm ơn Thầy.
ThíchThích