Định nghĩa chánh niệm ngắn gọn

Dinh-nghia-chanh-niem-ngan-gon

Trong khi học và hành thiền Vipassana, thuật ngữ “chánh niệm” có lẽ là một trong những thuật ngữ được sử dụng và đề cập nhiều nhất. Nên ad thiết nghĩ, là thiền sinh thì cần nắm rõ định nghĩa về thuật ngữ này. Tình cờ, ad thấy được đoạn giải thích ngắn gọn như sau của Sư Tâm Pháp. Xin chia sẻ để mọi người tham khảo.

Chánh nim, hiểu một cách đơn giản, là sự ý thức về bản thân mình, là sự chú ý và quan sát một cách khách quan, như thật (ghi nhận thuần túy) những gì xảy ra trong thân và tâm mình trong hiện tại: các cử động của cơ thể, các tính chất-cảm giác: nóng-lạnh, cứng-mềm, sự chuyển động…, cảm giác xúc chạm trên thân, cảm giác thở; các cảm xúc: buồn, giận, mừng, vui, cô đơn, tham dục… cho đến những hoạt động tâm lý vi tế: suy nghĩ, tưởng tượng, cơ chế phiền não, những chiều hướng tâm lý, định kiến, chấp thủ, ảo tưởng… Chánh niệm, có thể nói là trung tâm của phương pháp tu tập tâm do Đức Phật thuyết dạy, dẫn đến phát triển trí tuệ trực giác, nhận chân được sự thật tuyệt đối của thân-tâm chúng ta (vô thường, khổ, vô ngã), do đó đoạn diệt tận gốc rễ những gốc phiền não-đau khổ (kiết sử) trong tâm con người.

Pháp hành thiền chánh niệm là sự huân tập một thói quen luôn chú ý và ý thức về bản thân mình trong mọi lúc, luôn quay lại quan sát-cảm nhận-ghi nhận thân-tâm mình trong hiện tại, một cách trực tiếp (chứ không phải bằng suy nghĩ)…và phát triển sự tỉnh giác, ý thức về chính mình một cách liên tục và sâu sắc. Người thực hành chánh niệm có thể tập ghi nhận những gì nổi bật, dễ ghi nhận nhất như là các cử động của thân khi đi, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt…các cảm giác trong thân, sự xúc chạm…hoặc là cảm giác thở vào-ra khi ngồi thiền, cảm giác trên chân khi bước đi… Thậm chí, Thiền sư Mahasi Sayadaw còn dạy phương pháp niệm thầm: chạm.. chạm, đưa tay..đưa tay, bước.. bước, quay người…quay người, nóng..nóng, giận…giận, buồn..buồn…trong giai đoạn đầu thực hành để thiền sinh tự nhắc mình quay lại ghi nhận bản thân.

Mọi người có thể tham khảo thêm ở bài viết gốc tại đây (là cuốn sách Ngôi nhà chánh niệm của Ngài Sayadaw U. Jotika mà Sư Tâm Pháp đã dịch Việt).

3 Comments

  1. cùng lúc cả triệu triệu thứ ĐANG XẢY RA quanh ta, nếu chỉ NHẬN BIẾT tư thế mình ĐANG ngồi, cái miệng ĐANG nhai nhóp nhép thì … quá ít
    …. Chú Tâm đến điều ĐANG XẢY RA là tách rời cái được chú ý khỏi cái toàn thể, …
    – chính ngay lúc mình săm soi NHẬN BIẾT thuộc tính của cái cây, thì đã quên bẳng cả khu rừng rồi. Thấy được chi tiết cá biệt, thì đánh mất cái nhìn bao quát toàn diện về một tình thế rồi
    – chính ngay lúc mình NHÌN ĐẾN đối tượng, thì dòng sống đã trôi qua …. tâm thức đâu bắt kịp !

    Thêm nữa….. mọi thứ đều ĐANG VẬN HÀNH trong TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN…. thành ra, tách riêng sự NHẬN BIẾT cái ĐANG CÓ trong thực tại (tại đây và lúc này) là làm gián đoạn quá trình CHUYỂN BIẾN từ NHÂN đến QUẢ…. cùng những tương quan trong tình huống (DUYÊN)

    Nhiều người đề cao CHÁNH NIỆM (Sati), xem MINH SÁT (Vipassana) như một Pháp môn thù thắng tuyệt đối là …. Si Tâm Vọng Tưởng.
    Chẳng qua, vì bị VONG NGÃ khi mải miết CHÚ TÂM vào việc mình làm hay trò mình chơi, nên quên rằng có TA ĐANG tồn tại. Và chủ trương quay về cùng THỰC TẠI là biện pháp nhằm đối trị sự THA HÓA của mình.
    Nhưng quay về với cái ĐANG LÀ, ĐANG CÓ, như đã viết, chỉ là cách bám víu vào một đối tượng tạm thời chứ không phải là phương thức hoàn hảo.

    Ngài Đại Huệ ngày xưa cảnh giác: “MÊ ĐẠO cũng là SI”

    Thêm nữa, THIỀN không chỉ nhằm vào sự NHẬN BIẾT tại chỗ.

    … diễn đạt chính xác hơn …. CHÁNH NIỆM chỉ là một trong nhiều mục tiêu mà THIỀN hướng vào.

    Trong sự CHÁNH NIỆM, còn có CÁI THẤY và CÁI BỊ THẤY, nghĩa là còn bị tính Nhị Nguyên hạn chế.

    Thể nhập được CHỦ THỂ (đang THẤY) và KHÁCH THỂ (bị THẤY) như trong Trà Đạo, Kiếm Đạo, Cung Đạo (Soto Zen = Thiền Tào Động) là cái DỤNG khác của THIỀN.

    Thích

Bình luận về bài viết này