Nguyên tắc hành thiền 3-3

SMP xin chia sẻ với các thiền sinh nội dung một thư trình pháp từ một thành viên của nhóm đến Sư Tâm Pháp và phần trả lời của Thầy. Nhóm SMP cũng đã có dịp nghe Thầy giảng lại phần nguyên tắc hành thiền 3-3 này gần đây. Rất gọn, rất đơn giản, rất dễ nhớ, và rất hiệu quả cho việc hành thiền. Cầu mong mọi an lành và thuận lợi đến với các bạn trên con đường thiền.
“Lúc mới hành Thiền, con có cảm giác người con hay nóng trong 30ph ngồi Thiền, giống như là năng lượng trong người toả ra nhiều hơn, đặc biệt là phần đầu. Trong thời gian thực hành Thiền 1 năm đầu, con thấy con sân nhiều hơn, con dễ giận hơn. Con có hỏi các anh lớn hơn trong nhóm thì các anh chỉ dẫn là do con để ý cơn giận của mình, nên có cảm giác là sân giận nhiều hơn.
Sau khi đọc được thư Thầy gởi cho anh Long và nhóm Thiền, con đã ngưng ngồi Thiền vài tháng liền vì con muốn tâm trí con tạm quên những cái default settings khi ngồi Thiền. Con tập quán sát tâm con khi bước đi trong công ty, khi lên xuống cầu thang, khi uống nước,… Con thấy rất thoải mái khi thực hành như Thầy hướng dẫn.
Khoảng 2 tuần nay con đã thực hành ngồi Thiền lại vào 8h tối mỗi ngày tại nhà. Con ngồi và quán sát toàn bộ cơ thể từ đầu đến chân. Lúc con quán sát đầu con, con thấy căng căng, và sau đó mạch máu và dây thần kinh dường như được giãn ra, thoải mái. Con quán sát tới phía sau gáy và vai, thì có cảm giác là năng lượng từ đầu con chạy xuống gáy và vai. Nó làm ấm vai con và giúp vai con bớt mỏi. Khi con quán xuống lưng và thắt lưng, con cũng có cảm giác tương tự là hơi ấm ấm và bớt mỏi. Tuy nhiên, giờ đây ngoài việc quán sát được cơn giận, con cảm thấy con dễ vui, dễ buồn hơn, và hay lo lắng. Con nghĩ là con nhạy cảm hơn với các loại cảm xúc. Khi cảm xúc khởi lên, con có thể thấy được đôi chút. Nhưng vấn đề là con thường hay bị cảm xúc cuốn đi một lúc, có khi  chỉ vài giờ, nhưng có khi đến vài ngày. Sau đó, con mới có thể buông bỏ cảm xúc đó bằng cách nghe các thuyết pháp hoặc trò chuyện với đàn anh trong nhóm Thiền.
Đồng thời, ngoài cảm xúc vui buồn, giận, con còn nhận diện rất rõ các phiền não trong con. Khi một vấn đề trong công việc hay rắc rối gì phát sinh, con liền thấy nó tác động rất nhiều vào giấc ngủ của con. Con có một cậu con trai 4 tuổi, giữa đêm khoảng 2AM, con thường thức chăm bé. Vì vậy lúc nào tâm con có vấn đề là con không thể ngủ lại sau khi thức lúc 2 giờ đêm, con mất khoảng 1-2 giờ đồng hồ mới có thể đi vào giấc ngủ trở lại. Hoặc là con sẽ có những giấc mơ về sự việc đó hoặc đối tượng đó. Khi con giải quyết xong được vấn đề, thì con lại ngủ rất ngon và thẳng giấc. Con không hiểu sao phiền não trước giờ vẫn có rất nhiều, nhưng tại sao khoảng 2 tháng gần đây, những xáo trộn, vướng bận này lại ảnh hưởng tới giấc ngủ con của nhiều như vậy. Con không biết cách thực hành Thiền của con có vấn đề gì không thưa Thầy?”

Thư trả lời của Sư Tâm Pháp

… Khi con thoải mái tức là con thực hành đúng. Khi không thoải mái tức là thực hành có vấn đề. Vì vậy thoải mái rất quan trọng con ạ. Thoải mái và thư giãn là điều kiện đầu tiên mình cần có, khi đưa mình vào trạng thái thư giãn và thoải mái thì sự biết mình sẽ đến một cách tự nhiên. Con hãy nhớ nguyên tắc hành thiền này, gọi là nguyên tắc 3-3:

  • 3 có: có thư giãn, có thoải mái, có biết mình
  • 3 không: không mong cầu, không chống đối, không tìm cách thay đổi
  • 3 làm: ngồi, thở, thư giãn

Phần 3 không là để có thái độ đúng khi hành thiền, chỉ quan sát chứ không can thiệp, không phản ứng hay tìm cách thay đổi những gì đang có trong thân tâm mình.

Phần 3 điều cần làm, là khi ngồi thiền thì cần biết mình đang ngồi, biết mình đang thở và thư giãn thường xuyên.

Đứng và nằm cũng tương tự. Khi đi thì chỉ biết đang đi và thư giãn thôi.

Chúng ta thường xuyên bị cảm xúc lôi đi, đó là chuyện bình thường, và con cũng đừng coi nó là quá quan trọng. Khi coi nó là quá quan trọng, hoặc là một problem cần giải quyết, thì tức là đã phản ứng và chống đối lại nó, vi phạm 3 không ở trên.

Khi con nhớ ra được thì quay lại quan sát mình. Thời gian đầu con nên tập trung quan sát thân  mình, bao gồm các hoạt động của thân khi đi lại, làm việc, và cảm giác của toàn thân mình. Chẳng hạn cảm giác tổng thể của tư thế đi, đứng,… khi có cảm xúc, chỉ ghi nhận cảm giác của cảm xúc đó đang thể hiện trên thân mình: cảm giác nóng, bứt rứt khi sân, cảm giác nặng nề khi buồn, … không để tâm chạy theo dòng suy nghĩ hoặc đắm chìm vào cảm xúc đó.

Để thoát ra khỏi cảm xúc đòi hỏi bề dày tu tập. Càng tu tập tốt thì thoát ra càng nhanh và không để lại di chứng. Đối với con và hầu hết mọi người, các cảm xúc thô có thể thoát ra bằng cách thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách nhìn, như con nói là nghe pháp và trao đổi với các anh. Con nên nghe pháp nhiều, trong các bài pháp, thầy dạy nhiều về các cách thay đổi suy nghĩ. Con hãy nghe và áp dụng nhé. Nghe pháp rất quan trọng, nó sẽ giúp thay đổi cách nhìn của mình sâu từ trong vô thức. Con hãy nghe thường xuyên để áp dụng nhé.

Chánh niệm nhiều hơn con sẽ nhạy cảm hơn, thậm chí cảm nhận được cái khổ do phiền não, cảm xúc đem lại nhiều hơn, sâu sắc hơn. Đừng lo con ạ. Đó là con đường tất yếu con phải đi qua. Để thoát khỏi phiền não, chúng ta phải hiểu được nó. Để hiểu được nó, chúng ta phải quan sát nó như thật, phải nhạy cảm với nó, cảm nhận 100% những tác động của nó lên bản thân mình và cuộc sống của mình. Vì vậy cần rất nhiều kiên nhẫn và nghị lực con ạ. Con hãy cố gắng lên nhé. Dần dần khi định tâm và chánh niệm của con tăng lên, các vấn đề của con như khó ngủ, nằm mơ, … sẽ mất đi dần. Không quan trọng, hãy chăm cho cái gốc thật tốt thì các vấn đề cành ngọn sẽ mất dần con ạ.

Thầy mong con thực hành tốt và kiên nhẫn. Có gì hãy thường xuyên trình pháp với thầy. 
Với tâm từ của thầy.

4 Comments

  1. Kính bạch thầy!
    Trong quá trình tu tập, quán niệm hơi thở, con ngồi thiền thả lỏng và buông xả mọi ý niệm. Khi niệm sinh khởi thì con liền biết và buông xả, chỉ theo dõi hơi thở. Được một thời gian, con thấy mình tập trung và an lạc hơn. Nhưng thời gian gần đây trong con có khá nhiều xáo trộn. Bắt đầu từ khi con thấy ở vùng trán nóng lên, đôi mắt con giật chớp mặc dù trên thân con biết là khi ấy mắt đang nhắm. Tâm con nảy sinh lo sợ, con liền xả thiền. Ngưng ngồi vài ngày con ngồi thiền trở lại, tiếp tục chánh niệm và theo dõi hơi thở được một lúc con lại thấy mình phát sinh tâm từ, trong tâm con khởi lên niềm vui vẻ an lạc. Khi ấy con rất thích ngồi thiền. Hôm khác con ngồi thấy khá nhiều cảnh thú vị, con an lạc quan sát, không mong cầu không vọng tưởng. Thỉnh thoảng con thấy Đức Phật, bình mình, hoa nở rất an lành.. cho đến ngày gần đây con ngồi thì thấy thân con cứng, to, nhịp thở nghe rất rõ, cảm nhận cả tiếng gió, tim con đập rất nhanh và con lo sợ, mặc dù cảm giác trên thân ko do tâm ý phát sinh ra. Con quan sát chánh niệm nhưng vẫn khởi lên lo sợ…. nhìn sâu vào nỗi sợ, con sợ mình thiền sai, sợ tẩu hỏa và sợ không kiểm soat được những gì xảy ra. Xin thầy chỉ dẫn giúp con ạ.

    Thích

    1. Chào chị! Nhóm SMP chỉ là nhóm các thiền sinh, không phải là người xuất gia nên chị không cần xưng hô như với các bậc xuất gia nhé. Vấn đề của chị như trên thì tốt nhất, chị cần phải tìm một vị thầy hướng dẫn trực tiếp, thông qua các trình pháp trực tiếp và cụ thể. Không nên học thiền qua Internet, sách vở được nhé. Rất nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn. Cũng như không nên học qua bạn bè (ngoại trừ các bạn bè của chị đủ năng lực làm một thiền sư). Hiện tượng như trên của chị, đa phần do ảo giác. Chị có thể tham khảo bài trình pháp dưới đây và có thể tìm phần nào được câu trả lời trong đó. Nhưng như ad có đề nghị ở trên, chị cần phải tìm cho bản thân một vị thiền sư làm thầy mới nên đi sâu vào thiền nhé. Chúc chị mọi thuận lợi và an lành.
      https://saigonmeditationproject.org/2016/11/28/mot-so-nguyen-ly-thien/

      Thích

Bình luận về bài viết này