SMP xin được chia sẻ bức thư Sư Tâm Pháp trả lời một thành viên trong nhóm sau khi gửi thư trình pháp đến Thầy.
Con thân mến,
Con ạ, khi con có chánh niệm, con sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Có thể con chưa quen với điều đó. Nhưng dần dần con sẽ quen. Nhất là nhạy cảm với trạng thái tâm của người khác.
Trạng thái tâm của những người xung quanh luôn có tác động đến mình con ạ. Chẳng hạn khi con nói chuyện với 1 người đang sân, thì cái sân ấy cũng kích hoạt cái sân trong con. Khi gặp 1 người bất an, sự bất an trong con cũng được kích hoạt. Phiền não luôn có xu hướng lây nhiễm khủng khiếp. Trước kia con chưa có chánh niệm thì chưa cảm nhận được sự lây nhiễm đó, hoặc có cảm nhận được nhưng cũng không để ý. Đến giờ chánh niệm khiến con nhạy cảm hơn và cảm nhận rõ rệt hơn điều đó.
Vì vậy, để bảo vệ tâm mình con nên tránh xa những người phiền não, bất thiện hoặc thiếu chánh niệm. Bản thân mình đã phải chiến đấu với phiền não bên trong, lại gánh thêm phiền não của người khác nữa thì làm sao chịu nổi, làm sao có đủ năng lượng để phát triển chánh niệm và các tiềm năng của mình. Tất nhiên rất nhiều người mình không tránh được, như gia đình, đồng nghiệp. Trong những trường hợp đó con nên thu thúc tâm mình vào bên trong. Vừa nói chuyện vừa dành một phần tâm để thư giãn mặt, luôn kiểm tra xem mình có bị lây nhiễm phiền não hay không. Đừng để ý quá nhiều đến họ, hay những lời nói hành động của họ. Ít nói thôi con ạ. Tránh nói chuyện vô ích, nói chuyện vào điểm chính ngay, nhanh gọn không dài dòng. Nó sẽ giúp con tránh né được rất nhiều phiền não vô ích.
Khi con thích hoặc không thích một ai đó, hãy cố gắng quan sát cái tâm đó của mình. Đừng nghĩ đó là việc của con hay của người ấy. Đó chỉ là 1 tiến trình tự nhiên, nhân + duyên = quả, chỉ đơn giản như thế. Như là có gió, có nước thì có sóng. Chẳng liên quan gì đến mình.
Tâm cũng vậy, thích, không thích vốn có nhân là những thành kiến nằm sâu trong tâm mình, gặp ngoại cảnh phù hợp (người đó có dáng vẻ, thái độ nào đó) thì tự nhiên trở thành thích hay không thích mà thôi. Con chẳng làm chủ được quá trình đó.
Nhưng con có thể quan sát, và thấy được toàn bộ quá trình đó diễn ra như thế nào. Đừng tự trách mình, đừng cố biến mình thành một thiên thần. Hãy quan sát một cách thích thú, tò mò để hiểu cách hoạt động của tâm mình. Đừng nghĩ rằng mình chịu trách nhiệm về tiến trình đó.
Con có thể dùng nhiều cách suy nghĩ đúng đắn theo Pháp (chánh tư duy) để hạn chế bớt sự hoành hành của thành kiến và phiền não đó. Chẳng hạn con hãy nghĩ xem 10 tháng nữa, 10 năm nữa thì chuyện này sẽ thế nào. Hãy nhìn lại từ góc độ 10 năm nữa. Con sẽ thấy mọi việc thật chẳng đáng để con thích hay không thích, thậm chí chẳng đáng để con suy nghĩ đến nó. Hoặc con hay nghĩ đến: bản thân mình chẳng làm chủ được mình, tâm nó thích kiểu gì thì nó thành kiểu ấy, nó có chịu tuân theo cái muốn của mình đâu…thì người ta cũng như thế. Tâm họ cũng chỉ là tiến trình nhân quả tự nhiên thể hiện ra vậy thôi. Mình trách ai đây? Giận ai đây? Ghét ai đây?…dù trách, giận, ghét, thương…hay không thì tiến trình tự nhiên của tâm họ vẫn như thế… Hoặc suy nghĩ theo quy luật của nghiệp, nghiệp của ai người ấy chịu, cuộc sống của họ do họ chịu trách nhiệm, họ có quyền được sống theo cách họ muốn…mình cũng vậy. Mình chịu trách nhiệm về tâm mình. Tâm mình khó chịu hay bình thản, đó là trách nhiệm của mình, chứ không phải là vì người đó xuất hiện trước mắt mình…
Nhiều cách suy nghĩ đúng đắn để con ngăn chặn phiền não. Trong các bài pháp Thầy cũng giảng nhiều. Ở đây nói không hết. Con hãy áp dụng một cách sáng tạo theo cách riêng của con nữa, để làm sao ngăn chặn phiền não không làm chủ tâm mình, hạn chế bớt để dành năng lượng vào việc quan trọng hơn, bảo vệ tâm mình khi cuộc sống phải tiếp xúc với phiền não của thế gian. Hãy khám phá con nhé.
Điều quan trọng là con phải phát hiện được khi nào mình bị phiền não hoặc cảm xúc, nguyên nhân cảm xúc đó từ đâu, và nhớ áp dụng các cách Thầy nói trên để vượt qua, đồng thời vẫn quan sát nó 1 cách tách biệt theo nguyên tắc 3 không: không mong cầu nó phải thế này thế kia, không chống đối, không tìm cách thay đổi nó. Tất cả những việc đó đều dẫn đến chánh niệm. Chánh niệm là cái phát hiện, chánh niệm là cái quan sát, chánh niệm là cái nhờ áp dụng suy nghĩ đúng, là cái nhờ kiểm tra thái độ của mình…
Hãy thư giãn nhiều, nhất là khuôn mặt con ạ. Nó là chuông cảnh báo cho con, giúp con phát hiện tất cả những điều đó. Càng thư giãn thường xuyên, chuông cảnh báo của con càng hoạt động hiệu quả và nhạy bén.
Và nhớ đừng áp đặt sẵn cho mình phải hành xử theo một khuôn mẫu nào đó mình tự đặt ra hay do người khác gợi ý, áp đặt lên con nhé. Đừng tự gắn cho mình nhãn hiệu “em hiền”, “em thông minh”, “em là lãnh đạo”…làm vậy là con sẽ không sống thật với tâm của con, con sẽ có phiền não từ đó, tâm con sẽ luôn bất an và cái tôi của con sẽ lớn dần lên. Hãy thư giãn, hãy quan sát chính mình, khi có thái độ đúng (3 không) và chánh niệm, tâm con sẽ tự biết phải làm gì. Hãy quan sát nó, và nghe lời nó. Đó là trực giác. Đừng nghe lời suy nghĩ, nhất là những suy nghĩ nhuốm màu cảm xúc và phiền não, và cũng đừng bao giờ nghe lời người khác mà không cân nhắc con ạ. Con đặt lòng tin vào trí tuệ trực giác thì nó sẽ phát triển, tất nhiên có lúc nó cũng sai vì chánh niệm chưa đủ mạnh, nhưng chẳng sao cả, những cái sai đó sẽ giúp con rút kinh nghiệm và đúng hơn lần sau con ạ.
Hãy thư giãn thật nhiều con nhé. Mọi lúc, mọi nơi, mọi việc con làm.
Thầy mong con khỏe và bình an.
Với tâm từ của Thầy.
Thầy
P/s: con có thể chia sẽ bức thư này với các bạn để cùng áp dụng.
Bài pháp rất hay và hữu ích! Con xin cảm ơn Thầy! Nguyện có duyên đãnh lễ và học pháp với Thầy.
ThíchĐã thích bởi 1 người