Đây là bài Pháp ngắn được ghi lại từ buổi trao đổi giữa Ngài Sayadaw U. Jotika với các học trò của Ngài ở Rừng thiền Sóc Sơn và được dịch Việt cũng như ghi âm lại bởi SMP để tiện việc chia sẻ đến mọi người. Nguồn bài được cung cấp bởi Rừng thiền Sóc Sơn.
https://soundcloud.com/viet-hung-nguyen-707456087/bai-phap-ngan-ve-chanh-niem
Bài Pháp ngắn về chánh niệm
Nếu con đang cưỡi một con ngựa và con không thể có một sự điều khiển nào đối với con ngựa được cả, điều gì sẽ xảy ra? Con ngựa có thể đưa con tới bất cứ nơi nào. Tâm trí của con cũng như thế. Con cần một sự điều khiển nhất định nào đó. Chánh niệm điều khiển tâm trí con một cách nhẹ nhàng. Nó rất nhẹ nhàng. Chánh niệm không phải là sự bắt buộc. Nó không ép buộc con. Khi con trở nên chánh niệm hơn, con càng trở nên thông minh hơn. Con sẽ có những quyết định tốt hơn trong mọi thứ. Con ăn như thế nào? Con ăn nhiều bao nhiêu? Con ăn khi nào? Con có thể quyết định cho con. Ăn một cách chánh niệm, uống một cách chánh niệm, điều đó rất quan trọng. Nếu con dạy học, và nếu con dạy các học sinh của con về chánh niệm, chúng sẽ học hành tốt hơn. Con có nghe nói về ADD bao giờ chưa? Attention Deficit Disorder: chứng rối loạn thiếu tập trung. Nhiều giáo viên chia sẻ với Ta rằng, các học sinh không lắng nghe. Chúng luôn nhảy từ chuyện này sang chuyện khác. Chúng không chú ý. Và thật là khó khăn để bảo chúng lắng nghe họ nói. Đó là chứng rối loạn thiếu tập trung. Chúng không thể tập trung chú ý. Từ “chú ý” này rất quan trọng. Càng tập trung chú ý, con càng có thể hành động một cách có hệ thống trong bất cứ việc gì con làm. Không làm một cách ngẫu nhiên, mà làm một cách hệ thống trong tất cả mọi thứ, một cách hệ thống hơn. Sự chú ý, tập trung là những kỹ năng rất quan trọng của tâm trí. Đây là những kỹ năng mà chúng ta được sinh ra cùng với chúng. Mọi người đều có chúng như là những hạt giống, tiềm năng. Chúng ta chỉ cần từ từ phát triển chúng một cách có hệ thống. Điều đó không thể xảy ra chỉ trong một vài ngày ngắn ngủi. Chúng ta phải thực hành chúng trong suốt cả cuộc đời. Càng chánh niệm, chúng ta càng ít phạm phải sai lầm. Phạm sai lầm ít thì tốt hơn gặp phải nhiều sai lầm, chắn chắn là con sẽ nói như vậy. Cái gì sẽ xảy ra nếu con phạm ngày càng nhiều những sai lầm? Càng nhiều sai lầm tạo ra nhiều vấn đề hơn. Càng nhiều vấn đề thì có càng nhiều đau khổ. Nếu con không muốn quá nhiều đau khổ, con cần phải chánh niệm và phạm ít sai lầm hơn. Ở tận cùng thì chính bản thân tâm trí của chúng ta mới có thể làm cho chúng ta hạnh phúc.
Hầu hết mọi người nghĩ rằng, nếu họ có thể có được tất cả mọi thứ họ muốn thì họ sẽ hạnh phúc. Con có tin vào điều đó không? Con muốn tin vào điều đó. Đó là điều mà chúng ta muốn tin vào. Đó chính là trò bịp bợm của cái tâm chúng ta đang đang đặt lên cho chính chúng ta. Tâm trí của chúng ta bịp bợm lắm. Nó thích làm cho con muốn có nhiều và nhiều hơn nữa – sự tham lam. Hạnh phúc thực sự đến từ sự thấu hiểu sự vật từ bên trong một cách sâu sắc, không phải từ bên ngoài. Tất nhiên là con cần một nơi dễ chịu để ngủ, áo quần thoải mái, thức ăn lành mạnh, và những thứ khác để con có thể có được một cuộc sống dễ chịu. Nhưng con cũng biết rằng, có những người rất giàu có, nhưng lại không hạnh phúc. Con có biết những người như vậy không? Rất giàu có, nhưng không hạnh phúc. Giàu có và bị trầm cảm. Những người giàu đau khổ bởi trầm cảm. Con có biết bệnh trầm cảm không? Ta biết một vài người đau khổ bởi căn bệnh trầm cảm. Họ có tất cả những gì họ muốn, nhưng họ vẫn không hạnh phúc. Điều đó chứng tỏ rằng, có được tất cả những gì con muốn không đảm bảo được hạnh phúc cho con. Tất nhiên, con cần phải làm một công việc nào đó, làm thật tốt, học hỏi nhiều hơn, làm việc tốt hơn để kiếm sống. Một chút dư giả về tiền bạc cũng rất quan trọng, hữu ích. Và đồng thời, con cần phải huấn luyện tâm của con để không bị phụ thuộc quá nhiều vào công việc, không bị phụ thuộc vào những người khác xung quanh, để trở nên độc lập hơn. Nếu con chánh niệm hơn, con sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong tâm trí, con sẽ trở nên ít phụ thuộc hơn. Tất cả chúng ta đều ít nhiều bị phụ thuộc vào nhiều thứ. Ngay cả người xuất gia cũng vậy. Tốt hơn hết là dần bớt bị phụ thuộc, có nhiều tự do hơn. Bằng chánh niệm, chỉ làm mỗi một việc chánh niệm, con có thể có lợi ích trong quá nhiều thứ. Và khi con ngày càng già đi, con suy nghĩ về bản thân và con sẽ thấy hạnh phúc hơn. Tôi đã sống cuộc sống của tôi trong chánh niệm. Tôi đã chỉ phạm những sai lầm nhỏ, không phải là những sai lầm lớn. Chánh niệm giúp cho mọi người đúng giờ hơn, trung thực hơn. Điều đó cũng làm cho con hạnh phúc hơn. Khi con không tử tế và con nhớ lại về việc đó, con không cảm thấy hạnh phúc.
Có một lần, vào dịp Ta cảm thấy mệt và không khoẻ, bạn của Ta muốn đến gặp Ta và Ta đã bảo rằng: “Không. Không phải bây giờ.” Và anh đã ấy chết. Một vài ngày sau, anh ấy ra đi. Ta cảm thấy vô cùng buồn bã. Ta đã nên bảo anh ấy đến. Ta đã bảo không và bây giờ Ta đã không thể gặp lại bạn nữa. Tử tế chắc chắn là điều tốt hơn. Khi con chánh niệm hơn, con trở nên tử tế. Khi chánh niệm của con ít đi, con sẽ trở nên ích kỷ hơn. Khi con chánh niệm hơn, con trở nên rộng rãi hơn. Rộng rãi không chỉ là cho đi tiền bạc. Cho đi thời gian cũng là một sự rộng rãi, mà điều đó ngày càng khó hơn trong cuộc sống hiện đại, khi mà người ta không có nhiều thời gian. Và chánh niệm cũng giúp con lành mạnh hơn, lành mạnh hơn trong tâm trí. Ngày nay, Ta thấy nhiều người không có được một tâm trí lành mạnh. Chánh niệm giúp tâm trí con lành mạnh hơn và lành mạnh trong cơ thể nữa.
Như vậy, nếu con chỉ cần thực hành một thứ, chánh niệm, con có thể thu được quá nhiều lợi ích ở khắp mọi nơi, mọi thứ. Ngày nay, thực hành chánh niệm còn có tác dụng chữa bệnh. Bởi vì tâm trí và cơ thể làm việc song hành cùng với nhau. Như vậy, hãy chăm sóc cơ thể con! Hãy chăm sóc tâm trí con. Hãy chánh niệm.
Vậy phải thực hành chánh niệm như thế nào?
ThíchThích
Bạn sẽ cần tìm đến một khoá thiền chính thức để học. Trong lúc tìm kiếm thì có thể tham khảo bài này https://saigonmeditationproject.org/2017/05/02/bat-dau-hanh-thien-tu-dau/
ThíchThích