Bắt đầu hành thiền từ đâu?

IMG_8006
Rừng thiền Sóc Sơn

SMP thường hay nhận được câu hỏi từ các bạn về việc tìm học thiền Vipassana ở đâu? Bản thân nhóm SMP và trang web này được lập ra chỉ với mục tiêu cung cấp các thông tin về thiền Vipassana nhằm cổ xuý các bạn đến với thiền, do những lợi lạc quá lớn lao cho tâm trí mà thiền có thể đem lại. Tuy nhiên, SMP chưa có kế hoạch và ý định tổ chức các khoá thiền. SMP cũng đã có chia sẻ phần trả lời cho câu hỏi này tại bài viết: Ad ơi, mình muốn bắt đầu học Thiền thì nên học ở đâu vậy ad?.

Nếu bạn thực sự muốn tìm đến với thiền, chỉ cần các bạn kiên trì tìm kiếm. Nếu đủ kiên trì, chắc chắn trước sau gì các bạn cũng sẽ tìm được cho mình một vị Thầy. Bản thân ad cũng mất đến vài năm. Việc này chắc chắn không cần sự vội vàng, mà cần sự kiên trì. Và cần nhớ rằng, câu trả lời còn tuỳ thuộc rất nhiều vào việc bạn là ai? Mục đích của bạn đến với thiền là gì? Tâm trí của bạn cởi mở đến đâu đối với những gì bạn chưa biết?
Thiền như là một cánh cửa mở ra những nơi chốn mới của các trạng thái tâm thức. Và điều đó sẽ thay đổi cách suy nghĩ của bạn một cách mạnh mẽ và tích cực. Bạn có sẳn sàng cho điều đó chưa? 

Trong khi kiên trì tìm kiếm cho bản thân một vị thầy, một nơi chốn để có thể được hướng dẫn trực tiếp, các bạn luôn có thể bắt đầu thực hành thư giãn như được hướng dẫn tại đây. Việc thư giãn này là cực kỳ quan trọng trong tiến trình thiền sau này của bạn. Việc thực tập thư giãn thì rất đơn giản. Các bạn chỉ cần tìm cho bản thân một nơi yên tĩnh và làm theo các hướng dẫn trực tiếp từ Sư Tâm Pháp (như các bạn có thể tìm kiếm ở đây), trong đó có hướng dẫn thư giãn nằm, ngồi. Nếu các bạn có thể kiên trì làm được việc này hằng ngày, thì chắc chắn các bạn sẽ thấy hé lộ được phần nào các lợi lạc của việc hành thiền.

Trong các bài thư giãn này, ghi nhớ ba từ khoá đặc biệt mà các bạn sẽ cần làm trong khi tập: thư giãn, thoải mái, và biết mình (hay trong ngôn ngữ cửa thiền gọi là chánh niệm). Thư giãn là nói đến việc thả lỏng thân, thả lỏng các bộ phận trên cơ thể. Thoải mái là nói đến việc giữ cho tâm trí được thư giãn. Khi có thể thư giãn thân và thoải mái tâm, khả năng biết mình của bạn sẽ trở nên nhạy bén. Bạn sẽ quan sát được một cách tinh tế và rõ ràng nhất những gì đang xảy ra đối với thân và tâm của bạn trong thời điểm bạn thư giãn. Khi thực hành thư giãn, chỉ cần ghi nhớ ba từ khoá này thôi.

Ngoài ra, khi ngồi thư giãn như vậy, bạn cũng cần giữ các thái độ 3 không như sau:

  • Không mong đợi: Không thiết lập bất cứ mong đợi đạt được gì cụ thể sau khi thực hành bài tập. Ví dụ như bạn cảm thấy mệt mỏi trong tâm và quyết định nằm xuống để thư giãn. Và bạn  mong muốn có được một trạng thái thoải mái sau khi thư giãn. Hãy chỉ thư giãn mà thôi, đừng mong đợi gì cả. Hoặc đôi lúc, ngày hôm trước, sau khi tập thư giãn xong, tâm trí bạn rất thoải mái và bạn mong muốn ngày hôm nay cũng sẽ đạt được trạng thái đó. Đừng như vậy. Chỉ đơn giản ngồi xuống thả lỏng thân và tâm và làm theo các hướng dẫn mà thôi.
  • Không chống đối: Nếu trong lúc thư giãn, tâm trí hoặc cơ thể bạn không chịu “tập trung” thư giãn, hãy đừng khó chịu và có ý chống đối lại việc đó. Một thực tế là tâm trí chúng ta không hề là ông chủ thực sự của thân và tâm chúng ta. Đa phần, cơ thể và tâm trí của chúng ta không làm theo những gì chúng ta mong muốn. Thực tế là như vậy. Khi thư giãn cũng như vậy. Mặc dù chúng ta đang cố gắng để thả lỏng thân và tâm, đôi khi thân và tâm chúng ta lại không thực sự nghe theo những gì chúng ta muốn làm. Chân, tay các bạn có thể căng nhức hoặc mỏi. Hãy nhẹ nhàng thay đổi tư thế một chút để có thể thoải mái hơn. Hoặc đôi khi, chúng ta chỉ cần biết rằng cổ bạn đang hơi căng. Chỉ cần chừng đó thôi là đủ. Đừng để ý nghĩ “tại sao lại như thế này, cổ mình cần phải thư giãn” len vào. Điều này rất tinh tế. Hãy luôn tỉnh táo để nhắc nhở bản thân. Hoặc đôi lúc, các ý nghĩ cứ xen vào, mặc dù bạn đang tập trung thư giãn các bộ phận trên cơ thể. Hãy đừng tức giận hoặc cố chống cự lại các ý nghĩ này. Chỉ đơn giản nhận biết và chào tạm biệt các ý nghĩ này. Hoặc bạn có thể tự dặn với bản thân rằng, sẽ quay lại với các ý nghĩ này sau khi thư giãn sau và xếp nó sang một bên. Điều này có thể không dễ dàng để làm được. Nên bạn cần phải ghi nhớ và luôn nhắc bản thân và kiên trì thực hành. Đôi khi các ý nghĩ bất chợt này kéo bạn đi khá xa, trước khi bạn có thể chợt nhận ra và dừng lại. Càng thực hành nhiều thì khả năng không chống đối này sẽ ngày càng tiến triển hơn.
  • Không cố gắng thay đổi: Trong khi thư giãn, nhiều thứ sẽ xảy đến khiến bạn không thể 100% dành trọn vẹn cho việc thư giãn được. Ngoài việc giữ thái độ không thiết lập mong muốn cũng như không chống đối ở trên, bạn còn cần phải chấp nhận những gì đang xảy đến mà không cố gắng thay đổi. Bản thân thái độ này cũng sẽ hỗ trợ việc duy trì hai thái độ trên. Các bạn có thể mỏi chân hoặc tê chân khi ngồi thư giãn. Hãy ghi nhận việc này và cố gắng quan sát việc mỏi hoặc tê chân, mà khoan vội vàng thay đổi thế ngồi? Các bạn có thể xác định xem chính xác mỏi hoặc tê ở vị trí nào trong cơ thể? Việc mỏi hay tê này bắt đầu từ khi nào? Nó đang dần dần tệ hơn? Hay nó vẫn giữ cùng một mức độ tê, mỏi trong 5 phút vừa qua? Đôi khi, chỉ cần quan sát một lúc thì bạn chợt nhận thấy cơn mỏi, tê này đã đi qua hoặc dịu bớt từ lúc nào mà bạn không hay. Nếu sau một lúc quan sát thật lâu mà bạn cảm thấy tình hình không cải thiện, và thân thể bạn bị đau đớn, bạn có thể thay đổi tư thế ngồi, nằm một cách nhẹ nhàng cho thoải mái hơn rồi trở lại với việc thư giãn. Hoặc đôi khi, những căng thẳng trong công việc khiến bạn mệt mỏi trong tâm. Nhưng bạn cần thả lỏng tâm mình khi thư giãn. Điều này dường như là trái ngược. Hãy chấp nhận sự thật về việc tâm trí bạn đang bị stress làm cho mệt mỏi. Và rồi trở lại tập trung vào việc thư giãn. Đừng đặt những câu nếu thì đại loại như: “Nếu công việc không quá căng thẳng như hôm nay thì bây giờ tâm trí mình không nặng nề rồi.” Đừng như thế. Chỉ ghi nhận những gì đã xảy ra, và tự bảo với bản thân sẽ quay lại xử lý sau khi ra khỏi bài tập thư giãn. Rồi trở về lại trọn vẹn với việc thư giãn nhé.

Ba từ khoá thư giãn, thoải mái, biết mình và các nguyên tắc 3 không (mong đợi, chống đối, cố gắng thay đổi) này thực sự là tinh tuý của thiền mà sau này, nếu bạn có cơ hội tìm được cho bản thân một vị Thầy và được hướng dẫn hành thiền, các bạn sẽ thấy đó thực sự là nền tảng của Pháp hành. Các bạn có thể tham khảo thêm ở hai bức thư này của Sư Tâm Pháp:

Ad có biết câu chuyện của một vị Đại sư, một thiền sư lỗi lạc đã bắt đầu việc hành thiền chỉ với các bài tập thư giãn này. Và Sư đã phải mất 5-6 năm mới có thể thuần thục các bài tập này. Với thân nghiệp của Sư mà còn mất 5-6 năm thì có lẽ các thiền sinh như chúng ta cần nhiều thời gian hơn nữa. Nên các bạn chỉ cần tập các bài thư giãn này, trong khi kiên trì tìm kiếm cho bản thân một vị Thầy.

Hãy bắt đầu. Rất đơn giản với các bài thư giãn bên dưới. Bạn nên buông bỏ chữ thiền trong các bài tập này (cho dù chữ thiền có thể được nhắc đến). Chỉ chú ý thư giãn, thả lỏng thân và tâm nhé.

Hướng dẫn thư giãn nằm và thiền: 

Hướng dẫn thư giãn nằm và thiền:

Ngoài ra, các bạn cần nghe các bài giảng về thiền Vipassana như đã được chia sẻ ở đây: Bước đầu tập thiền. Kể cả các thiền sinh nhiều năm thực hành rồi cũng phải cần nghe lui nghe tới các bài giảng này nhiều lần. Mỗi lần nghe, lại học thêm được những điều mà trước đây chưa biết.

Chúc các bạn thuận lợi và thành công.

5 Comments

  1. chúng sinh có phước báu vô lượng kiếp mới có Duyên với Chánh Pháp trong đó là được nhận biết và học – hành Thiền Vipassanã bước đầu căn bản với Tứ Niệm Xứ trên tiến trình Thất Giác Chi …

    Thích

  2. Biết được Vipassana là một ân huệ lớn nhất trong đời Tôi. Quá nhiều lợi lạc cho tâm linh và cả cho cuộc sống của Tôi kể từ khi biết, tập và hành trì thường xuyên. Mong sẽ có thật nhiều người biết đến và hành trì. Cuộc sống này chắc chắn sẽ đáng sống và ý nghĩa với nhiều người hơn nữa.

    Thích

Bình luận về bài viết này